HỆ SỐ P/S
Hệ số P/S là một trong số các phương pháp phân tích cơ bản trong chứng khoán, thông thường nhiều nhà đầu tư vẫn dùng các chỉ số như P/E, P/B, ROE, ROA,…trong việc phân tích và định giá cổ phiếu, tuy nhiên trong trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh thu lỗ thì EPS âm dẫn tới các chỉ số trên không thể phát huy được nhiều vai trò.
Vì thế, nhà đầu tư cần 1 chỉ số khác để đánh giá doanh nghiệp và chỉ số P/S là một chỉ số hiệu quả để đánh giá doanh nghiệp trong trường hợp này.
Hãy cùng DGO ACADEMY tìm hiểu hệ số P/S là gì, cách tính cũng như cách sử dụng hệ số P/S trong phân tích cổ phiếu.
1. Hệ số P/S là gì?
Hệ số giá/doanh thu (Price-To-Sales Ratio) viết tắt là P/S được tính toán bằng cách lấy giá trị thị trường của cổ phiếu chia cho doanh thu của cổ phiếu. Hệ số này giúp nhà đầu tư đo lường mức giá thị trường trả cho phần doanh thu trên mỗi cổ phần. Hay nhà đầu tư đang trả bao nhiêu cho 1 đồng doanh thu từ doanh nghiệp.
Hệ số P/S được các nhà phân tích sử dụng để xác định giá trị tương đối của cổ phiếu so với quá khứ và so với doanh nghiệp khác trong cùng ngành.
Công thức xác định:
P/S = Giá trị thị trường/Doanh thu của cổ phiếu
Trong đó: Doanh thu mỗi cổ phiếu = Tổng doanh thu/ Số lượng cổ phiếu đang lưu hành
2. Ý nghĩa
Hệ số P/S cho thấy thị trường định giá bao nhiêu cho mỗi đô la doanh thu của công ty. P/S thấp cũng có thể có hiệu quả trong việc định giá các cổ phiếu tăng trưởng đã bị sụt giảm tạm thời.
P/S hình thành dựa trên doanh thu và nhằm xác định xem doanh thu được đánh giá như thế nào. Hệ số này càng cao thì giá trị được đánh giá từ doanh thu càng lớn.
Đối với phương pháp này, các nhà phân tích cho rằng tăng trưởng doanh thu mạnh và ổn định là yêu cầu đối với một công ty tăng trưởng. So với tất cả số liệu trên các báo cáo tài chính thì thông tin về doanh thu ít bị tác động bởi các thủ thuật trong công tác kế toán.
Trong các giai đoạn mà doanh nghiệp ở thời kỳ bão hòa, thời kì biến động mạnh hoặc tăng hoặc trường hợp mà thu nhập của công ty bằng 0 thì tỉ số này được sử dụng thay thế cho các tỉ số nêu trên một cách phù hợp.
Tuy nhiên, thường thì tỉ số này rất ít được sử dụng, các nhà đầu tư thường dùng để so sánh các doanh nghiệp trong cùng ngành nhiều hơn và chính xác hơn là dùng để định giá một doanh nghiệp nào đó
3. Ưu và nhược điểm của hệ số P/S
Ưu điểm:
Phương pháp tính toán đơn giản, dễ thao tác và thực hiện
Khi sử dụng phương pháp này, nhà đầu tư dễ dàng tìm số liệu của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường, vì thế, phương pháp này đặc biệt thích hợp với nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán, những người gặp khó khăn trong việc tiếp xúc đầy đủ với tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Nhược điểm:
Hệ số P/S là phương pháp định giá quá đơn giản, nó không đi sâu vào các yếu tố tiềm năng, tốc độ tăng trưởng, khả năng phát triển và rủi ro của doanh nghiệp. Vì vậy, trong định giá doanh nghiệp rất ít dùng chỉ số này.
Ngoài ra, một công ty có thể tạo ra doanh thu và có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhưng không có được lợi nhuận, hay có thể có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm.